Quoc Huy VNCH
Quốc Huy Việt Nam Cộng Hòa



MỤC LỤC:

-------pb -------

 

VietNamCongHoa

VietNamCongHoa

VietNamCongHoa

VietNamCongHoa

VietNamCongHoa

VietNamCongHoa

VietNamCongHoa

Các Bài Nên Đọc

• Kính mời ghi danh vào Hội Ðồng Cố Vấn.

• Làm hay không làm chính trị? Lê Trọng Quát.

• Kháng thư gửi Tập Cận Bình,LS Lê Trọng Quát.

• Hãy trả lại sự thật cho người lính VNCH!

• Tiểu sử Luật Sư LÊ TRỌNG QUÁT.

• THÔNG ĐIỆP gửi Quân Đội và Công An Nhân Dân.

• Gs LÊ NGUYỄN CÔNG TÂM: THỈNH NGUYỆN THƯ ĐẾN TT DONALD TRUMP.

• LS LÊ TRỌNG QUÁT: VAI TRÒ CỦA CPPĐ VNCH.

• PHỎNG VẤN LIVE VỚI LS LÊ TRỌNG QUÁT NGÀY 22/11/2017.

• Thư gửi Tổng Thống D. Trump, Thủ Tướng CPPĐ VNCH.

• Tại sao CPPDVNCH ra đời quá trễ ? Trần Long.

• Sắc lệnh của Tổng-Thống VNCH.

• Sắc Lệnh Bổ Nhiệm 2-7-2018

• Sắc Lệnh Bổ Nhiệm 16-9-2019

• Thảm Sát Mậu Thân: Tội Ác Việt Cộng.

• Thông Tư ngày 17-8-2018. Thủ tướng LTQ.

• CHÍNH PHỦ CPPĐ VNCH ĐÃ LÀM GÌ CHO DÂN TỘC.

• AI ĐÃ XÉ HIỆP ĐỊNH GENEVE 1954.

• THẾ GIỚI BIẾN LOẠN, CƠ HỘI CHO VIỆT NAM.

VietNamCongHoa

VietNamCongHoa

VietNamCongHoa

VietNamCongHoa

VietNamCongHoa

VietNamCongHoa

VietNamCongHoa

VietNamCongHoa

VietNamCongHoa

 

Chào mừng Quý vị đến với trang web
Việt Nam Cộng Hòa Pháp Ðịnh !

Trang Bình Luận

--------o0o--------

Lãnh đạo trẻ Bắc Triều Tiên : Một ẩn số đối với cộng đồng quốc tế

Về tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, các báo Pháp hôm nay dành ra nhiều trang để đánh giá, phân tích và suy đoán hướng tiến triển của khủng hoảng. Hầu hết các báo đều có chung nhận định cho rằng các nước trong khu vực đã quá quen thuộc với các hành động khiêu khích của Bắc Triều Tiên. Thế nhưng, một tính toán sai lầm của nhà lãnh đạo còn quá non trẻ Kim Jong-un có thể đẩy khu vực vào cảnh hỗn loạn mới, đây chính là điều đáng lo cho các quốc gia trong khu vực.
Nếu như người dân Hàn Quốc vẫn tỏ ra bình tĩnh vì « đã quá quen thuộc với những lời đe dọa của Bắc Triều Tiên », thì cộng đồng quốc tế lại tỏ ra lo lắng. « Bắc Triều Tiên đang đùa với lửa » là hàng tít nhận định lớn trên trang nhất của nhật báo công giáo la Croix. Việc triển khai hai tên lửa Musudan về hướng Nhật Bản và Hàn Quốc cho thấy Bình Nhưỡng đang gia tăng áp lực và gây nhiều quan ngại cho cộng đồng thế giới. Bởi vì, quốc gia này giờ là « một cường quốc hạt nhân, nhưng lại được lãnh đạo bởi một nhà lãnh đạo trẻ, dù là được đào tạo tại các trường lớn tại phương Tây ».

Vấn đề là « không ai hiểu rõ được khả năng thật sự và ý đồ của vị lãnh đạo này » một năm sau khi lên cầm quyền. Đây chính là điểm khó khăn cho phía Hoa Kỳ khi phải « đối mặt với Bắc Triều Tiên vẫn chưa biết rõ », như là nhận định của báo Le Monde. Bởi vì, cho đến giờ các chuyên gia về Bắc Triều Tiên vẫn chưa thể nào giải mã được các hành động và cử chỉ của nhà lãnh đạo trẻ.

Chính vì vậy, Le Monde cũng như là báo Le Figaro đều nghi ngại rằng chuyến công du Seoul của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ lại là một « cơ hội ngàn vàng » để Bình Nhưỡng lại một lần nữa thách thức Hoa Kỳ khi đưa ra một hành động khiêu khích mới.

Trên thực tế, giới quân sự Mỹ không tin rằng Bắc Triều Tiên có thể thực hiện vụ tấn công. Nhưng họ lại rất e ngại sự trượt đà và một tính toán sai lầm về quỹ đạo bay của tên lửa Musudan có thể sẽ dẫn đến bất ổn cho toàn khu vực Bắc Á. Do đó, trước hành động leo thang này, Hoa Kỳ và các đồng minh phải gia tăng các biện pháp phòng vệ.
Tokyo siết chặt quan hệ quân sự với Washington

Trong bối cảnh Bắc Triều Tiên tiếp tục hù dọa quốc tế, việc Ngoại trưởng Hoa Kỳ sẽ đến thăm Tokyo vào ngày 14/4 sắp đến cho thấy “Tokyo siết chặt quan hệ với Washington” là hệ quả tất yếu. Đây cũng chính là nhận định của báo Le Monde.

Khi chỉ cách có ngày nữa là Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ đến thăm Nhật Bản, sau chuyến công du Hàn Quốc ngày hôm nay, Tokyo đã cho triển khai các tên lửa Patriot ngay tại thủ đô và tại khu căn cứ quân sự.

Dĩ nhiên, trong vòng công du châu Á lần này, ngoại trưởng Mỹ Kerry sẽ phải trấn an các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản trước các đe dọa tấn công của phía Bắc. Đồng thời, ông John Kerry cũng phải tìm cách làm giảm tình hình căng thẳng nhằm tránh một sự trượt đà, có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng cho cả khu vực.
Cũng như Washington, Seoul cũng như là Bắc Kinh hay Tokyo đều muốn tìm kiếm một lối thoát ngoại giao để giải quyết khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên.

Thế nhưng, đối với ông Shinzo Abe, thủ tướng Nhật Bản thuộc phe hữu, đây cũng là một cơ hội để xem xét khả năng tăng cường sức mạnh quân đội Nhật. Đe dọa từ Bắc Triều Tiên cộng thêm sự lớn mạnh của Trung Quốc đã khiến cho Tokyo lo lắng: vấn đề tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư tại vùng biển Hoa Đông chỉ là dấu hiệu của một sự đối đầu có tầm vóc lớn hơn là một sự tranh chấp lãnh thổ.
Hiện tại, Nhật Bản chỉ tạm hài lòng ở mức tăng ngân sách cho quốc phòng là 0,8%, tức chiếm khoảng hơn 1% của tổng sản phẩm nội địa. Nhưng mức chi này cũng đủ để duy trì quân đội Nhật Bản ở vị trí thứ 7 trên thế giới. Đồng thời, việc tăng ngân sách cho quân đội cũng sẽ cho phép Nhật Bản củng cố lực lượng hải quân.

Bên cạnh đó, ông Shinzo Abe dường như còn mong muốn hiệu chỉnh điều khoản 9 trong Hiến pháp, quy định rõ cấm Nhật Bản tham chiến và tham gia vào bất kỳ hệ thống phòng thủ chung nào. Thế nhưng, việc này vấp phải ý kiến phản đối của đa số người dân Nhật. Trong tình hình này, ông Abe đang tìm cách làm sao cho Nhật Bản có thể đóng giữ vai trò tích cực hơn nữa trong liên minh quân sự với Hoa Kỳ. Vì vậy, ký kết thỏa thuận giữa Tokyo và Washington về các khu căn cứ quân sự tại Okinawa chính là bước đi đầu tiên theo chiều hướng này.

Châu Á trong cái bẫy Bắc Triều Tiên
Không những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang tạo cơ hội cho Nhật bản “quân sự hóa” lực lượng phòng vệ, mà hành động khoa chân múa tay của Kim Jong-un còn thúc đẩy nhanh hơn nữa sự hiện diện của quân đội Mỹ trong khu vực. Đây là một sự việc khiến cho Bắc Kinh quan ngại. Liên quan đến chủ đề này, Le Figaro có bài nhận định đề tựa “Châu Á trong cái bẫy Bắc Triều Tiên”.

Tác giả bài viết cho rằng : Không như các bậc tiền bối biết cách dừng đúng lúc để đàm phán, nhà lãnh đạo trẻ hiện nay đã gạt bỏ mọi sự mặc cả liên quan đến hồ sơ hạt nhân. Người ta tự hỏi “chuyện gì sẽ xảy ra nếu như ông ta đẩy các quân cờ đi quá xa?”. Nữ tổng thống Hàn Quốc dĩ nhiên không khoanh tay đứng nhìn rồi. Bà Park đã ra lệnh cho quân đội “đáp trả thẳng thừng” và “không cần cân nhắc chính trị”. Như vậy, bà sẽ còn đi đến tận đâu nữa? Le Figaro đặt câu hỏi.

Tất cả các sự việc này đang diễn ra giữa lúc tranh chấp căng thẳng chủ quyền giữa Bắc Kinh và Tokyo, vào thời điểm mà cả hai cường quốc khu vực cũng vừa thay đổi xong người lãnh đạo đất nước.
Tuy nhiên, tờ báo cho rằng chiếc chìa khóa cho khủng hoảng hạt nhân lại nằm trong tay của Trung Quốc. Mục tiêu trước đây của Bắc Kinh: Giữ ổn định bang giao hai nước, tránh cho chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ do e ngại làn sóng di cư ồ ạt, kiểm soát nguồn tài nguyên của Bắc Hàn, và ngăn chặn Mỹ cùng đồng minh Hàn Quốc tiến gần đến biên giới Trung Quốc. Chính vì những điều đó, mà Bắc Kinh đã “mắt điếc tai ngơ” với người anh em láng giềng khó kiểm soát này.

Thế nhưng, thời thế đã đổi thay. Quân đội Mỹ đang tăng cường sự hiện diện trong khu vực Thái Bình Dương để chống lại thái độ ngày càng hống hách của Trung Quốc. Chính hành động khoa chân múa tay của Kim Jong-un đang thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình triển khai quân của Hoa Kỳ trong khu vực. Giờ đến lượt Trung Quốc bắt đầu cảm thấy lo lắng. Bài viết kết luận : Châu Á đang trở thành một châu lục ngày càng phức tạp.

Đằng sau khủng hoảng Bắc Triều Tiên: cuộc đọ sức giữa Trung Quốc và Mỹ
Về điểm này, La Croix cũng đồng tình với Le Figaro cho rằng “Ẩn sau khủng hoảng Bắc Triều Tiên, là sự đọ sức ngầm giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ”.

La Croix trích dẫn nhận định của chuyên gia Valerie Niquet, chuyên trách châu Á thuộc Hiệp hội nghiên cứu chiến lược tại Paris, cho rằng “Kim Jong-un đã phát đi các thông điệp rõ ràng cho cả Mỹ lẫn Trung Quốc”. Theo bà, “Bình Nhưỡng muốn chứng tỏ với đồng minh Trung Quốc rằng nếu họ bỏ rơi chế độ này, Bình Nhưỡng có đủ phương tiện để gây ra những xáo trộn lớn trong khu vực, đúng vào thời điểm Hoa Kỳ tăng cường hệ thống phòng thủ tại Bắc Á”.

Bắc Kinh ngày càng không thể thờ ơ trước các hành động khiêu khích của người “anh em” láng giềng. Một cựu quan chức ngoại giao nhận định rằng “Bắc Kinh bắt đầu tỏ ra khó chịu. Nhưng không dám công khai. Bởi vì, Trung Quốc không muốn đi quá xa trong việc chỉ trích, do sợ rằng Bình Nhưỡng sẽ bất thình lình phản bội lại họ”.

Từ nhiều tuần nay, Bắc Triều Tiên đã ban cho Hoa Kỳ nhiều lý do tốt nhất để tăng cường hệ thống phòng thủ tại Bắc Á. Trong khi đó, theo như phân tích của bà Valerie Niquet, “Trung Quốc lại muốn tự khẳng định như là cường quốc quân sự duy nhất tại châu Á. Bắc Kinh hiện chỉ có thể đứng nhìn sự cách biệt quá lớn giữa quân đội của mình (Bắc Kinh chỉ có một chiếc hàng không mẫu hạm) và sức mạnh quân sự Hoa Kỳ. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc vẫn chưa đề ra một chính sách mới. Họ cũng chưa thể đánh giá hết được rủi ro và giá phải trả cho việc buông rơi quốc gia láng giềng. Trung Quốc chưa sẵn sàng để làm điều đó”.
La Croix cho rằng đàng sau khủng hoảng Triều Tiên, người ta lại tìm thấy thế đối đầu về hệ tư tưởng, đặt Trung Quốc với Bắc Triều Tiên về một phía và bên kia là Hoa Kỳ với các đồng minh là Nhật Bản và Hàn Quốc, vốn cùng nhau chia sẻ các giá trị dân chủ.

Cuối cùng, nếu nhìn cho tường tận, chuyện Bắc Hàn có tiến hành vụ thử hạt nhân thứ tư hay không đối với Mỹ không đáng quan trọng. Mà việc phổ biến vũ khí nguyên tử mang lại lợi ích cho Pakistan và Iran mới chính là mối họa lớn nhất.

Đông Nam Á - Việt Nam : Ưu tiên hàng đầu của Pháp
Báo phát miễn phí « 20 minutes » có đăng một bài phỏng Bộ trưởng Ngoại thương Pháp nhân chuyến công du Việt Nam hồi đầu tuần này để khởi động năm Pháp – Việt. Theo bà, « Đông Nam Á và Việt Nam là những ưu tiên hàng đầu » trong chính sách ngoại giao kinh tế của Pháp.
Theo lời bà Nicole Bricq, Bộ trưởng Ngoại thương Pháp, thị trường Đông Nam Á, với khoảng 600 triệu người tiêu thụ và đặc biệt là Việt Nam là một thị trường béo bở cho các doanh nghiệp Pháp. Do đó, đây sẽ là vùng kinh tế ưu tiên hàng đầu trong chính sách ngoại giao kinh tế của Paris.

Bà cho rằng việc các sản phẩm của Pháp chỉ chiếm có 1% thị phần tại Việt Nam so với 1,5% trên toàn bộ khu vực là một điều không bình thường. Việt Nam đang trên đà phát triển và muốn nắm bắt các kỹ nghệ công nghiệp. Việc Peujeot thỏa thuận đối tác với công ty Thaco để hợp tác lắp ráp mẫu xe Peujeot 408 là một ví dụ điển hình. Thỏa thuận này mở ra một hứa hẹn cho tập đoàn Peujeot, hiện đang gặp khó khăn trong nước, sẽ gầy dựng cơ sở tại một thị trường đầy tiềm năng. Pháp đã bỏ mất nhiều cơ hội trong thị trường xe gắn máy, một phương tiên đi lại được đại bộ phận người dân Việt Nam sử dụng. Do đó, bà Bộ trưởng cho rằng Pháp cần phải sẵn sàng cho thị trường xe ô-tô.

Trung Quốc: Các hoạt động tài chính ngầm đe dọa sự bình ổn tài chính
Nhìn sang người anh cả của Bắc Triều Tiên, báo Le Monde có bài viết liên quan đến vấn đề kinh tế cho biết là “Các hoạt động 'cho vay nặng lãi' đang đe dọa sự ổn định tài chính của Trung Quốc”.

Hôm thứ ba vừa qua, 09/04/2013, cơ quan thẩm định tài chính Fitch đã hạ điểm tín nhiệm nợ của Trung Quốc từ A+ xuống còn AA-. Lý do là cơ quan này quan ngại về sự gia tăng của các hoạt động cho vay lãi ngầm. Fitch cho rằng "sự phổ biến các hoạt động cho vay khác ngoài các hoạt động tín dụng ngân hàng cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ gây bất ổn thị trường tài chính”.

Fitch quan sát thấy trong vòng 12 tháng, ngân hàng chỉ đáp ứng được có 55% nhu cầu vay mới, so với con số 76% trong năm 2009. Như vậy, phần còn lại phải cầu cứu đến các thị trường tài chính ngầm khác đầy rủi ro cao.
Le Monde nhắc lại rằng vào năm 2011, dạng rủi ro này đã từng làm bùng nổ nợ tín dụng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế của thành phố Ôn Châu (Triết Giang), nơi tập trung các doanh nghiệp tư nhân của Trung Quốc.

Trung Quốc đi về đâu dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình ?
Về thời sự châu Á, mục Thảo luận của báo L’Humanité hôm nay có chủ đề : « Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình sẽ đi về đâu ? ». Tờ báo đăng lại ba bài tham luận trong cuộc hội thảo được tổ chức vào ngày 21/03 vừa qua, tại Quốc hội Pháp, dưới sự chủ trì của dân biểu Jean-Jacques Candelier.
Dưới hàng tựa : « Trung Quốc dấn thân vào một dự án tự chủ nhất quán, phi tư bản chủ nghĩa », kinh tế gia Samir Amin, giám đốc Diễn đàn Thế giới thứ ba, ở Dakar, nhận định : Trung Quốc đi theo một con đường phát triển đặc biệt ngay từ năm 1950, chứ không phải từ năm 1980. Dự án này của Trung Quốc không phải là phát triển tư bản chủ nghĩa, nhưng cũng không có nghĩa là xã hội chủ nghĩa. Nó chỉ cho phép Trung Quốc tiến về phía trước trên con đường dài xây dựng xã hội chủ nghĩa.
Sự trỗi dậy thành công của Trung Quốc là nhờ thực hiện dự án tự chủ và nhất quán này. Trung Quốc sẽ tiếp tục có những bước tiến mới theo hướng đó, chừng nào đất nước này không bị cuốn hút vào tiến trình toàn cầu hóa về tài chính.

Để giải thích sự phát triển của dự án này cũng như nguy cơ chuyển hướng sang con đường tư bản chủ nghĩa, tác giả đề cập đến sự hình thành và tranh đấu giữa các lực lượng xã hội, chính trị mang mầu sắc tả-hữu.

Theo nhận định của tác giả, phái hữu Trung Quốc hiện nay có nguồn gốc từ thời chiến tranh giải phóng : Vào thời điểm đó, các tầng lớp trung lưu thuộc cách ngành nghề khác nhau, công chức…, thất vọng về thái độ của Quốc Dân Đảng trước kẻ xâm lược là Nhật Bản, đã nhích lại gần, thậm chí gia nhập đảng Cộng sản Trung Quốc. Đa số có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa. Kể từ năm 1990, khi Trung Quốc mở cửa khu vực tư nhân, một phái hữu mới hình thành, không chỉ bao gồm các doanh nhân làm ăn thành đạt, và lại được sự ủng hộ của giới lãnh đạo Nhà nước và đảng Cộng sản.

Trong khi đó, tầng lớp nông dân Trung Quốc, bao gồm các nhà sản xuất nhỏ, chiếm đa số trong hàng ngũ các lực lượng đang thúc đẩy xã hội chuyển động hướng tới những chính sách mạnh bạo hơn trong lĩnh vực xã hội và môi sinh. Cùng với giai cấp công nhân và một bộ phận trí thức, tầng lớp nông dân này lực lượng cánh tả trong xã hội Trung Quốc.
Phe tả này, trên thực địa, có ảnh hưởng nhất định đối với các bộ máy của Nhà nước và đảng Cộng sản, buộc ban lãnh đạo Đảng phải có những thỏa hiệp.

Bài tham luận thứ hai mang tựa : « Đất nước phải thực hiện tốt ba tiến trình : công nghiệp hóa, đô thị hóa và dân chủ hóa ». Tác giả là nhà báo Trịnh Nhược Lân (Zheng Ruolin), thông tín viên của Văn Hối báo Thượng Hải (Wen Hui Bao), tại Pháp. Ông muốn cải chính cách nhìn nhận của phương Tây đối với đất nước Trung Hoa, cho rằng văn hóa cùng hệ thống chính trị của Trung Quốc cũng chịu tác động từ bên ngoài.
Về tính hình chính trị xã hội Trung Quốc hiện nay, nhà báo Trịnh Nhược Lân nhận định : Lãnh đạo vì nhân dân có nghĩa là các quyết định của chính phủ phải đáp ứng nguyện vọng của đa số dân chúng. Về điểm này, Trung Quốc còn thiếu các định chế cần thiết để giám sát một cách hiệu quả cơ quan quyền lực. Mặt khác, dân Trung Quốc rất hay phàn nàn : Phê phán chính phủ giống như môn thể thao quốc gia. Thế nhưng, theo tác giả, dân Trung Quốc lại không muốn thay đổi một cách triệt để hệ thống này, bởi vì họ biết rằng, từ 30 năm nay, đời sống vật chất của họ được cải thiện không ngừng, cho dù chênh lệnh giầu nghèo ngày càng nghiêm trọng.

Nói một cách khác, tại Trung Quốc, người dân sống tốt hơn nhưng họ vẫn luôn luôn không hài lòng. Có hai giải thích. Trước hết là dân Trung Quốc quá đông và cơ sở hạ tầng dịch vụ còn yếu kém. Tiếp đến là sự thay đổi, chuyển động không ngừng tại Trung Quốc. Chính vì thế, tác giả thừa nhận là vào thời điểm hiện nay, ông không dám nhận định về bản chất chế độ Trung Quốc : Phải chăng đó là chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa tư bản hay chủ nghĩa tư bản Nhà nước ? Có lẽ cần đợi thêm 10 hoặc 20 năm nữa thì mới rõ.

Bài tham luận thứ ba đề cập đến « Bản chất xã hội Trung Quốc đương đại và những biến đổi giai cấp xã hội ». Tác giả là Ôn Thiết Quân (Wen Tiejun), trưởng khoa Phát triển Nông thôn, đại học Nhân dân Bắc Kinh. Ông tập trung giải thích sự hình thành giai cấp trung lưu tại Trung Quốc và nhận định, « giai cấp trung lưu Trung Quốc thể hiện rõ quyết tâm tham gia vào việc quản lý các công việc xã hội ở cấp địa phương, cũng như bảo vệ quyền lợi của họ ».

Hiện nay, tầng lớp trung lưu chiếm 23% dân số Trung Quốc, tức 300 triệu người. Dự tính đến năm 2015, tỷ lệ này lên tới 30%, tương đương 500 triệu người. Tuy nhiên, do đất nước rộng lớn, tầng lớp trung lưu sống tản mát ở nhiều nơi và trong nhiều lĩnh vực, do vậy, tiếng nói chính trị của họ còn đơn lẻ.

Tác giả cảnh báo, các biện pháp lạc hậu của chính phủ nhằm duy trì ổn định xã hội không có hiệu quả trước những biến đổi giai tầng trong xã hội Trung Quốc.

Minh Anh (RFI)

----------o0o-----------